Trải nghiệm Android 11 Beta: Góp nhặt từ các hãng, mà chủ yếu là Samsung
Trải nghiệm Android 11 Beta: Góp nhặt từ các hãng, mà chủ yếu là Samsung
Sau khi trải nghiệm Android 11 Beta, mình đang chợt nghĩ có phải người dùng đang hơi khắt khe với Samsung hay không?
Dẫu biết trong giới công nghệ, chuyện “học tập”, bổ sung thay đổi những tính năng của nhau để gia tăng trải nghiệm người dùng là rất bình thường, thậm chí còn tốt nữa là đằng khác. Nhưng chúng ta mượn đó để nhìn lại, có phải khác biệt là xấu, và có phải chúng ta đang quá khắt khe với Samsung hay không?
Đừng “thần thánh hóa” Android gốc
Hôm trước mình có dẫn lại một bài viết trên Android Central với ý kiến cá nhân cho rằng, One UI của Samsung làm rất khó hiểu, cố gồng lên để khác biệt và rằng người viết cảm thấy thích một chiếc S20 Ultra với Android gốc hơn là One UI đã tùy biến.
Bạn có thể xem lại chi tiết lại bài viết đó tại đây: Bạn có biết: Giao diện One UI của Samsung có thể là “con dao hai lưỡi”
Dù trái ngược, chúng ta vẫn phải tôn trọng góc nhìn của người khác, và mình tin rằng Samsung vẫn còn phải nỗ lực nhiều hơn nữa trong quá trình tùy biến của mình. Thực tế, với cá nhân mình (và các Samfans nữa), One UI là một trong những giao diện tùy biến tốt nhất ngoài kia, song song với MIUI và một vài tùy biến của các OEM khác.
Đã từ lâu chúng ta đều biết Android là một hệ điều hành mở, bên cạnh Android gốc của Google các hãng cũng thỏa sức tùy biến, “tô vẽ” thêm cho giao diện của mình trở nên trực quan, sinh động, đặc sắc thương hiệu hơn. Tất cả những One UI của Samsung, MIUI của Xiaomi, ColorOS của Oppo đều hướng đến điều đó. Cũng chính những sắc màu đặc trưng đó mà thế giới Android mới đa dạng, phong phú và thú vị đến như vậy.
Android thuần, đồng ý là cái gốc, cái nôi của toàn bộ hệ thống, nhưng chỉ lấy Android gốc mà so sánh với IOS thì có phải là hơi bất công với những nỗ lực của các hãng hay không?
Nếu nói riêng đến MIUI với đỉnh cao là MiUI 10 và giờ đang “rục rịch” ra MIUI 12 là một giao diện người dùng khá tiên tiến và tinh tế, cũng góp nhặt nhiều và phát kiến thêm, chủ yếu hướng về thao tác và sự trực quan trong trải nghiệm khi sử dụng.
Về phía One UI của Samsung nhà ta, lại rất thích thêm những tính năng mới lạ trong giao diện của mình. Ứng dụng màn hình cạnh, chụp màn hình bằng cử chỉ, hãng duy nhất có ngăn ứng dụng rời…và còn nhiều nữa là tất cả những gì mà người chuyên dùng các sản phẩm của Samsung cảm thấy tự hào. Còn những hãng khác, tùy biến nhiều khi đơn giản chỉ là họ muốn một cái nhìn độc đáo hơn cho sản phẩm của mình.
Tất cả những cái riêng loạn hướng đó, tưởng dở mà hóa hay. Khác biệt không hề xấu, tự do phát triển không hề sai. Vì từ đó sẽ nảy sinh ra những ý tưởng tốt lẫn xấu. Và nếu có thể tổng hợp hết những ý tưởng tốt nhất, chúng ta sẽ có một hệ điều hành tuyệt vời nhất. Và đó chính xác là những gì Google đang làm.
Android gốc thực chất là đang đi sau để góp nhặt những điều tốt nhất
Vẫn còn nhớ rõ hồi Android 10, cử chỉ điều hướng mỗi hãng mỗi khác đến loạn lên hết. Người thì vuốt cạnh trái qua mở đa nhiệm, cạnh phải back; người thì thích kéo giữ ra đa nhiệm, back vuốt từ cả hai cạnh...Và nói thật, dù điều hướng của Samsung hồi One UI 1.0 có “ngu” cỡ nào cũng chẳng thể kỳ dị bằng Android gốc.
Cuối cùng thì lên Android 10, cả Google lẫn các hãng khác đều phải thống nhất một khuôn mẫu tốt nhất (cử chỉ điều hướng của MIUI) : vuốt nhanh từ cạnh dưới lên để về màn hình chính, vuốt lên và giữ để hiện menu đa nhiệm, mở ngăn ứng dụng bằng cách vuốt lên một lần nữa.
Samsung Dex đã ra được hai ba năm nhưng mãi từ Android 9 đến giờ Google vẫn còn đang thử nghiệm Desktop Mode.
Vụ quét mã vạch để share mật khẩu Wifi MIUI cũng có trước. Chưa tính đến việc dù tính năng Dark theme đã có trên Android 10 nhưng tới giờ tới Android 11 mới có icon phím tắt nhanh trên thanh công cụ, hay cài đặt giờ bật tắt..
Nếu mình nhớ không lầm thì Samsung cũng là hãng chế ra vụ chia đôi màn hình, mở cửa sổ pop up cho các ứng dụng, và rồi giờ hãng nào cũng có.
Và còn nhiều nữa những ví dụ trong quá khứ để thấy được, nếu các hãng không đứng ra tự tùy biến, thêm thắt các tính năng mới thì hệ điều hành Android chung khó lòng mà thành công được như hôm nay.
Android 11 Beta lần này cũng không ngoại lệ
Android 11 beta đã ra mắt và mình cũng đã may mắn sớm trải nghiệm qua phiên bản này. Bên cạnh những tính năng mới khá hay ho chuyên biệt về phần mềm như cấp quyền một lần cho các ứng dụng, hạn chế truy cập ngầm địa điểm hiện tại, tối ưu hóa thông báo (Notification) hay khả năng bật điều khiển trình nghe nhạc trong cài đặt nhanh ra chúng ta có gì mới trên Android 11?
Thêm chức năng cho nút nguồn
Google đang cố gắng thêm một Power Menu trên giao diện của mình bao gồm các ứng dụng có hỗ trợ, nhà thông minh và thẻ tín dụng Android Pay. Samsung đã có điều này từ One UI 2.0 và vẫn còn đang sửa dần từ One UI 2.1. Samfans đều biết nó trông như thế này:
Trình quay màn hình được đem ra thanh công cụ:
Samsung đã hoàn thành
Công cụ chụp màn hình mới:
Công cụ screenshot của Samsung đã khá đầy đủ từ lâu
Bong bóng chat: Trông như thế này đúng không nhỉ
Lên lịch bật tắt Dark Mode: đã có
Những tính năng Android 11 dự định thêm vào ở bản Beta (có thể còn thêm hoặc xóa bớt), One UI của Samsung và rất nhiều giao diện của các OEM khác đều đã phát triển từ lâu hoặc đã rất tốt, người dùng cũng đã dùng đến quen rồi. Thừa nhận đi, Android gốc đã và vẫn đang chậm chân hơn các hãng sản xuất smartphone nhiều lắm.
Tạm kết
Vậy nên mới nói, lấy Android gốc để làm chuẩn đối đầu với IOS là đang áp đặt góc nhìn chủ quan. Và rằng đừng nên quá khắt khe hay bài trừ với những khác biệt trên One UI (hay bất kỳ giao diện OEM nào khác).
Làm việc nhóm sẽ khác nhiều với làm việc một mình. Một mình bạn gánh team, bạn có giỏi cỡ nào cũng phải có chủ quan, sai sót rồi mới sửa dần. Còn bạn làm việc nhóm, việc cạnh tranh sẽ trở nên rất gay gắt. Đúng hay sai, tốt hay xấu thì khi so ra sẽ bộc lộ ngay, và người kém hơn chắc chắn sẽ sớm bị loại trừ. Vậy nên với thế giới Android này, không có gì gọi là tiêu chuẩn, không có gì gọi là tốt nhất, cũng không bị tù túng hay giới hạn bởi bất kỳ điều gì. Với Android, chỉ có tốt hoặc tệ, chỉ có hơn chứ không có nhất.
Mình làm đánh giá nhưng chính mình hôm nay cũng khuyên bạn dù có là người am hiểu về công nghệ hay không, dù có tìm hiểu hay đam mê nhiều về công nghệ hay không, hãy luôn xem đánh giá của cá nhân người khác như một sự tham khảo. Đừng quá thần thánh hay tin vào bất kỳ nguồn, quan điểm cá nhân, tổ chức nào. Lắng đọng, kiểm chứng, bàn luận và tin vào cảm nhận của chính bản thân bạn mới là điều quan trọng và ý nghĩa nhất.
Xin cảm ơn quý bạn đọc đã xem đến đây, hẹn gặp các bạn trong một bài viết khác tại Samfanscom.vn.