Tốc độ làm mới màn hình cao có phải là chuẩn mực tương lai của điện thoại thông minh?

Tốc độ làm mới màn hình cao có phải là chuẩn mực tương lai của điện thoại thông minh?

Không chỉ Samsung mà ngày càng có nhiều hãng sản xuất điện thoại có tốc độ làm mới màn hình cao, liệu tính năng này có thể trở nên phổ biến trong tương lai?

Tốc độ làm mới thực chất là gì?

Tốc độ làm tươi màn hình là số lần hình ảnh trên màn hình được cập nhật trên một giây. Thông số này được đo bằng đơn vị Hertz (Hz). Trên thực tế, những gì mà bạn thấy hiển thị trên màn hình máy tính không phải là hình ảnh động thay đổi liên tục, mà là một chuỗi các hình ảnh tĩnh được chiếu lên với tốc độ rất nhanh, tạo cho mắt bạn cảm giác như chúng là những hình ảnh chuyển động thực sự. Tốc độ làm tươi cao đồng nghĩa với việc có nhiều hình ảnh được chiếu lên màn hình hơn trong cùng một đơn vị thời gian, hay nói cách khác, có nhiều thông tin đến được với mắt của bạn trong cùng một thời điểm. Nhờ đó mà hình ảnh chuyển động trên màn hình trông cũng mượt mà hơn.

Màn hình 60Hz làm mới màn hình hiển thị 60 lần/giây, 90Hz tương đương với 90 lần làm mới trong một giây, và điện thoại với màn hình 120Hz thay đổi nội dung 120 lần/giây. Có thể thấy, các điện thoại sở hữu màn hình 120Hz như Galaxy S20 có tốc độ làm mới nhanh gấp đôi các tấm nền 60Hz, và nhanh hơn 4 lần so với các TV đời cũ 30Hz, đem lại trải nghiệm hình ảnh và chuyển cảnh mượt mà hơn.

Tốc độ quét màn hình nhanh hơn cũng đồng nghĩa với việc độ trễ thấp hơn, bởi các điểm ảnh liên tục được tái tạo. Ví dụ, mất 16,6ms (mili giây) để làm mới hoàn toàn màn hình có thông số 60Hz, 11,1ms đối với 90Hz và chỉ 8,3ms trên màn hình 120Hz. Tốc độ quét màn hình không phải là yếu tố duy nhất ảnh hưởng đến độ trễ, nhưng là một nhân tố quan trọng.

Cần lưu ý là bên cạnh tốc độ quét màn hình còn có  “tần số quét tương tác màn hình” (touch sample rate).  Hai tần số này tuy hoàn toàn khác nhau nhưng vẫn dùng chung đơn vị đo lường H. Riêng với tần số quét tương tác màn hình, Hz có ý nghĩa là tính số lần phản ứng của màn hình cảm ứng với ngón tay người dùng trên mỗi giây.

“Tần số quét tương tác màn hình” càng lớn thì độ trễ (lag) giữa những cú chạm hay vuốt lên màn hình và hành động xảy ra ngay sau đó càng thấp, điều này khá quan trọng đối với những trò chơi có nhịp độ nhanh.

Các hãng điện thoại đua nhau làm điện thoại có tốc độ làm mới màn hình cao

Các hãng ngày càng phát triển và ra mắt các mẫu điện thoại với tốc độ làm mới cao hơn, đa dạng hơn, tùy thuộc vào mức giá của chiếc điện thoại đó, trải dài từ tốc độ làm mới màn hình 90 Hz, 96 Hz, 120Hz và thậm chí là trong tương lai có thể lên đến 144Hz, 240Hz như trên màn hình những chiếc máy tính gaming hiện nay.

Tuy là đã có nhiều hãng sản xuất màn hình với tốc độ làm mới 90Hz với mức giá từ tầm trung trở lên nhưng riêng với thương hiệu Samsung thì chỉ mới có dòng điện thoại cao cấp nhất và mới nhất của hãng là dòng Galaxy S20 mới có tốc độ làm mới màn hình (fresh rate) 120Hz. 

Tốc độ làm mới không phải là tất cả, mà còn phụ thuộc vào tính tương thích

Đừng nhầm lẫn giữa tốc độ làm mới màn hình và tốc độ khung hình (đơn vị Hz so với Fps). Fps là số lượng khung hình đang được đẩy lên màn hình mỗi giây. FPS phụ thuộc vào chính nội dung bạn đang xem, có thể là một video hay trò chơi nào đó.

Tính tương thích quan trọng như thế nào được thể hiện ở ngay vấn đề này. Khi video hoặc trò chơi của bạn được có hỗ trợ 90 khung hình trên giây (FPS) và màn hình của bạn có tốc độ làm mới 90hz, điện thoại của bạn sẽ có thể đẩy tất cả các khung hình lên màn hình, và bạn có thể trải nghiệm trọn vẹn nội dung đó.

Nếu bạn mở một nội dung 60fps cho màn hình 90Hz, màn hình sẽ chuyển lại 60Hz hoặc nhân đôi một số khung. Ngược lại, nội dung 90fps sẽ không được hiển thị đầy đủ trên một màn hình có refresh rate 60hz.

Khi bật chế độ FPS cao trên Liên Quân, bạn cũng chỉ có được 60 khung hình/giây

Thực tế thì có rất nhiều nội dung video đang lưu hành ở tốc độ tiêu chuẩn chỉ có 24 fps, và nhiều ứng dụng trên điện thoại bao gồm cả trò chơi cũng chỉ hỗ trợ tốc độ khung hình tối đa là 60Fps. Vậy nên cho đến thời điểm hiện tại, các màn hình tiêu chuẩn có tốc độ làm tươi 60Hz vẫn "thừa sức" đáp ứng được.

Vậy nên đó cũng là lý do vì sao mà tốc độ làm mới màn hình cao cho đến hiện nay vẫn chưa được khai thác tối đa mà chỉ giúp gia tăng trải nghiệm người dùng khi tương tác trên điện thoại.

Chưa tính đến việc khi bật tốc độ làm mới màn hình cao kèm độ phân giải lớn, thời lượng sử dụng pin sẽ bị suy giảm đáng kể do các vi xử lý sẽ phải làm việc nhiều hơn. Vậy nên những chiếc điện thoại đời mới ngày nay muốn hỗ trợ tốc độ làm mới cao thì cũng phải đi kèm với một dung lượng pin lớn hơn hoặc được trang bị công nghệ sạc nhanh để có thể duy trì được thời lượng sử dụng tương tự những chiếc điện thoại có tốc độ làm mới bình thường khác.

Liệu đây có phải là chuẩn mực tương lai của điện thoại thông minh?

Mặc dù vẫn chưa được khai thác hết do chưa có nhiều nội dung tương thích, nhưng nhiều người dùng và thậm chí là các Reviewer nổi tiếng trên thế giới sau khi trải nghiệm tốc độ làm mới cao hơn đều cho rằng đây là “một trải nghiệm gây nghiện”. Tốc độ làm mới màn hình cao sẽ là một điều mà họ không thể thiếu trong tương lai và nếu họ có mua điện thoại mới, thì bắt buộc thiết bị của họ phải hỗ trợ tốc độ làm mới ít nhất là 90Hz trở lên.  

Trong tương lai, nếu có nhiều nội dung, trò chơi hay ứng dụng trên điện thoại được thiết kế chuyên biệt hoặc hỗ trợ tốc độ khung hình cao, giúp tối ưu hóa trải nghiệm của người dùng trên những chiếc màn hình có refresh rate cao, khi đó thì có lẽ Tốc độ làm mới màn hình cao mới có thể trở thành chuẩn mực chung trong ngành công nghiệp sản xuất smartphone.

Muốn làm được điều đó, có lẽ vẫn phải chờ phản ứng của thị trường trong tương lai xem liệu người dùng có sẵn sàng bỏ tiền để mua các thiết bị có tốc độ làm mới cao hay không, và các hãng sản xuất điện thoại có “mặn mà” với việc sản xuất nhiều hơn những mẫu thiết bị có hỗ trợ tốc độ làm mới cao hay tiến hành hợp tác, xúc tiến với các nhà sáng tạo nội dung, các bên chuyên viết ứng dụng cho CH Play hay không.

Nhưng còn bạn, bạn đã trải nghiệm tốc độ làm mới màn hình cao bao giờ chưa? Các thao tác vuốt và chuyển động trên máy có thực sự mượt mà và khác biệt nhiều so với những chiếc điện thoại bình thường khác? Bạn có nghĩ tính năng này thực sự cần thiết để trở thành một chuẩn mực chung trong tương lai? Hãy để lại suy nghĩ của bạn ở phần bình luận nhé!
Và đừng quên theo dõi Samfanscom.vn mỗi ngày để cập nhật những thông tin thú vị, mẹo vặt hữu ích cùng deal khuyến mãi cực ngon nha!

TIN LIÊN QUAN

0 BÌNH LUẬN