Bạn có biết: 2020 rồi mà bạn vẫn tắt tính năng sạc nhanh đi sao?

Bạn có biết: 2020 rồi mà bạn vẫn tắt tính năng sạc nhanh đi sao?

Sạc nhanh làm nóng pin, không nhiều thì ít cũng phần nào gây giảm tuổi thọ pin, nhưng tại sao lại phải tắt đi tính năng sạc nhanh cơ chứ?

Quan niệm về việc tính năng nào là quan trọng nhất đối với một chiếc smartphone rất đa dạng và có nhiều ý kiến đa chiều khác nhau, nhưng có một điều mà mọi người đều đồng ý đó chính là smartphone phải cải thiện sao cho thời lượng sử dụng ngày càng lâu hơn. Và mặc dù các nhà sản xuất vẫn đang dần gia tăng thời lượng pin sau mỗi năm, nhưng điều này vẫn chưa đủ để xua tan đi hoàn toàn những lo ngại về thời lượng sử dụng của những chiếc smartphone.

Nói vậy không có nghĩa là mình đang cổ súy các hãng nên tăng dung lượng pin lên thật khủng để các chiếc smartphone “trâu” hơn, lâu hết pin hơn đâu. Pin càng lớn thì càng tốn nhiều thời gian hơn để sạc đầy thôi chứ có gì tiện hơn đâu? Với mình, sạc nhanh mới chính là “chân ái”, mới là công nghệ mà mình nghĩ cần được chú trọng trang bị và cải tiến hơn nữa.

Mà khoan, bạn đọc đừng hiểu sai ý mình nhen. Đồng ý là có một chiếc điện thoại với một viên pin đủ để có thể dễ dàng kéo dài một ngày và thậm chí hai ngày thì thật là tuyệt vời làm sao. Nhưng ngay cả như vậy, nếu bạn quên sạc pin và đúng lúc pin nó yếu mà bạn đang cần gấp thì sẽ có sự cố sẽ phát sinh ngay. 

Sạc nhanh có nghĩa là việc sạc điện thoại không bao giờ cần phải nằm trong kế hoạch của bạn

Giống như hầu hết người dùng điện thoại thông minh, ngày trước thói quen của mình là sử dụng điện thoại suốt cả ngày và chỉ cắm điện thoại sạc khi ngủ vào buổi tối. Khách quan mà nói thì đó là một thói quen khá dễ thực hiện. Tuy nhiên, kể từ khi mình bắt đầu sử dụng Galaxy S20 Ultra, mọi thứ đã thay đổi.

Galaxy S20 Ultra hay Galaxy Note 10 plus (nói chung là flagship nhà Samsung) đều được trang bị khả năng sạc nhanh 45W, tuy chỉ tặng kèm bộ sạc 25W trong hộp thôi. Nhưng kể cả là 25W sạc nhanh cũng đã là quá đủ với hầu hết người dùng phổ thông.

Với 25W, bạn chỉ mất 30 phút để sạc 62% viên pin 5000 mAh, 45 phút lên 89%. Còn nếu bạn “lỡ” cắm sạc rồi đi đâu đó 1 tiếng, thì máy cũng “vô tình” sạc đầy 100% luôn. Mình chưa nghĩ đến việc mua bộ sạc 45W bên ngoài vì hiện tại đã là rất đủ đối với nhu cầu sử dụng của mình.

Hồi xưa, việc phải cắm sạc trước khi ngủ đã trở thành một việc phải làm mỗi tối của mình. Hay mỗi lần chuẩn bị đi đâu, phải nhớ chạy đi sạc điện thoại (hoặc pin dự phòng) để phòng hết pin thì phiền lắm. Lúc nào mấy chuyện sạc điện thoại chưa cũng ám ảnh trong đầu mình, chiếm dung lượng não mình.

Giờ có sạc nhanh thì tiện rồi. Đêm mà có quên sạc, sáng dậy cắm sạc đi chuẩn bị khoảng 30 phút quay lại nhặt điện thoại mang đi là được 60% pin. Nhìn dung lượng pin thấy yên tâm hẳn.

Hạn chế của việc sạc nhanh siêu tốc

Giống như mọi thứ trong cuộc sống, để có được tính năng sạc nhanh bạn cũng phải đánh đổi một số điểm hạn chế. 

Về lý thuyết và cơ bản thì sạc nhanh hoàn toàn không gây hại cho pin điện thoại của bạn. Hệ thống giám sát quá trình sạc nhanh kiểm soát chặt chẽ giữa hai pha và giảm tốc độ sạc ở pha thứ hai để viên pin có thời gian nạp toàn độ điện tích và tránh các nguy cơ tiềm tàng. Đó là lý do vì sao có thể mất đến 10 phút để sạc vài phần trăm pin cuối cùng.

Đối với các viên pin Lithium-Ion đang được sử dụng trên đại đa số smartphone, nhiệt độ có các tác động quan trọng. Khi sạc nhanh, dòng điện vào máy sẽ phải tăng, dẫn đến việc nóng lên ở điện thoại trong thời gian đầu.

Nóng hơn tất nhiên sẽ ảnh hưởng tới tuổi thọ của pin và đây mới là nguyên nhân chính chứ không phải tốc độ sạc. Tuy nhiên nếu nhiệt độ dưới 40 độ C thì sự giảm tuổi thọ không đáng kể lắm. Bản thân việc sạc pin cũng đã khiến tuổi thọ pin giảm đi rồi, vì loại pin nào cũng chỉ tồn tại qua số lần sạc nhất định, việc sạc nhanh hay chậm theo đó cũng không mấy ảnh hưởng.

Nhìn vào mặt tích cực thì, khi pin bắt đầu “già” và hết pin nhanh hơn, bạn đã có sạc nhanh để tiết kiệm thời gian. Và rồi điều đó tạo ra một vòng luẩn quẩn: sạc thường xuyên dẫn đến tuổi thọ viên pin sẽ lại giảm nhanh hơn, và lại phải sạc nhiều hơn, rồi cứ thế cứ thế cho đến khi viên pin của bạn chai hoàn toàn. 

Một nhược điểm khác của việc dựa vào sạc nhanh thay vì dung lượng pin lớn đó chính là lúc nào bạn cũng phải mang theo một bộ sạc. Điều đó có nghĩa là hoặc bạn phải mua nhiều bộ sạc nhanh để đây một cái kia một cái cho đỡ quên. Còn không thì bạn phải luôn nhớ mang theo bên mình một bộ sạc nhanh. Nếu quên mang thì đứt luôn, khá là phiền.

Nói đi cũng phải nói lại, nhiều khi đến những nơi không tìm thấy hoặc không có luôn ổ điện thì không có gì có thể thay thế được dung lượng pin lớn hay một cục sạc sự phòng đáng tin cậy cả.

Vậy nên theo mình lý tưởng nhất đó chính là: điện thoại bạn có một dung lượng pin đủ lớn (5000 mAh chẳng hạn), khả năng sạc nhanh 25W trở lên, và thêm cả một cục sạc dự phòng để hờ nữa là hoàn hảo. Không bao giờ sợ lo hết pin luôn. Với cá nhân mình, mình thà là hy sinh tuổi thọ pin (mà dù giữ kỹ cỡ nào cũng giảm) còn hơn là phải ngồi chờ mòn mỏi. Thật sự, một khi mà bạn đã quen với sạc nhanh, sạc chậm trở lại cứ như là cực hình, phí thời gian.

Tạm kết

Sạc nhanh không dây công suất lớn hơn cũng là một tính năng “đỉnh” cần có của smartphone tương lai

Ông bà ta thường hay nói, “Một đời ta ba đời nó” để ẩn dụ cho rất nhiều thứ, trong đó có cả chiếc smartphone của bạn. Theo mình sử dụng điện thoại sao cho kỹ càng là được, đừng “xài như phá” hay hành hạ quăng quật em nó nhiều quá. Nhưng suy đi tính lại thì sạc nhanh vốn dĩ được trang bị sẵn cho smartphone nhằm phục vụ tốt hơn cho chúng ta mà, nếu tắt đi thì lại phụ lòng nhà phát triển và em điện thoại nhà mình quá. 

Mà có anh em nào nhớ mấy viên pin rời như mình không nhỉ? Hồi xưa mua mình mua hẳn 3 viên, cứ hết thì rút pin ra thay vien khác vào đúng tiện và ngầu.

Tham khảo thêm bài viết dưới này để có thêm cái nhìn tổng quan hơn về công nghệ sạc nhanh: 

Note: Bài viết lấy ý tưởng từ nguồn, nhưng cũng bao gồm quan niệm, ý kiến cũng như trải nghiệm riêng của tác giả trong đó. Xin chân thành cảm ơn quý bạn đọc giả đã xem đến đây.

Sources:PhoneArena

TIN LIÊN QUAN

0 BÌNH LUẬN